Kinh tế và dân số phát triển nhanh, Bình Dương kiến nghị cơ chế đặc thù (21.09.2022)

Khoảng 5 năm gần đây, mỗi năm tỉnh Bình Dương tăng trung bình 100.000 dân, trên 1.000 doanh nghiệp. Bộ máy hành chính vốn thiếu nhân lực lại chịu nhiều áp lực trong quá trình tinh giản biên chế, khiến tỉnh này thiếu trầm trọng cán bộ, công chức, viên chức.
Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.
Ngày 21.9.2022, UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh vừa làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, tinh giản biên chế và đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương.​

Thiếu trầm trọng cán bộ, công chức, viên chức
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương, tổ chức hành chính thuộc cấp tỉnh đã giảm được 1 ban quản lý, giảm 5 chi cục và giảm 45 phòng, ngoài ra giảm 10 phòng thuộc Chi cục.

Về biên chế công chức cấp tỉnh, huyện được Chính phủ giao năm 2015 là 1.986 biên chế, năm 2022 còn 1.711 biên chế (tinh giản 10% biên chế theo quy định).
Chương trình làm việc.
Về số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ Nội vụ thẩm định năm 2015 là 24.614 người, năm 2022 là 21.852 người, giảm 2.762 người (tỷ lệ 11,22%).

Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, tỉnh có 1.711 biên chế đứng thứ 53 của cả nước trong khi đóng góp ngân sách trong TOP 5, thu hút đầu tư nằm trong TOP 3, dân số đứng thứ 6 cả nước. Xét về quy mô dân số, tốc độ phát triển của tỉnh thì đây là điều bất hợp lý.

Việc phải tinh giản biên chế trong bối cảnh tăng dân số (tăng khoảng 100.000/năm, hiện Bình Dương có khoảng 2,6 triệu dân), tăng số doanh nghiệp, cùng với việc cào bằng phân bổ cán bộ giữa các địa phương tăng đã gây ra nhiều áp lực đối bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp, nhất là nơi tập trung đông công nhân lao động.

Ví dụ, năm nay ngành giáo dục Bình Dương đang thiếu trầm trọng giáo viên. Tỉnh hiện có khoảng 527.000 học sinh (tăng 27.000 học sinh so với năm trước). Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương thiếu 3.000 giáo viên cho năm 2022. Hệ quả gây ra là sĩ số trên lớp học vượt quy định và chất lượng giảng dạy, học tập của học sinh không đảm bảo...
Số bệnh nhân quá đông trong dịch bệnh vừa qua vượt quá khả năng của y tế địa phương vì nhân lực mỏng.
Đối với bộ máy địa phương cấp phường, có phường dân số từ 100.000-120.000 dân (phường An Phú, Bình Hòa, Thuận Giao), chưa kể người lao động di chuyển khoảng 20.000-40.000 lao động. Khi xảy ra dịch bệnh, số cán bộ của phường loại 1 là quá ít để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ. Hay như xảy ra các sự cố cháy nổ, tai nạn lực lượng phòng cháy của phường không có để nhanh chóng xử lý ứng cứu. Việc đảm bảo an ninh trật tự, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các phường này cũng không thể đảm bảo khi cán bộ quá ít ỏi.

Xin cơ chế đặc thù
Tại chương trình làm việc, các địa phương đông công nhân lao động đã có những kiến nghị Đoàn công tác của Bộ Nội vụ.

Các ý kiến tập trung kiến nghị Trung ương xem xét có cơ chế chính sách đặc thù về biên chế đối với các địa phương có dân số đông, tốc độ kinh tế - xã hội phát triển nhanh như Bình Dương. Việc phân bổ cán bộ, công chức, viên chức, không nên cào bằng giữa các địa phương.

Việc phân bổ phải dựa theo dân số, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương sớm áp dụng chính sách cải cách tiền lương để cải thiện đời sống, động viên tinh thần cho cán bộ.
Các sở ngành Bình Dương phát biểu kiến nghị.
Đại diện Sở Nội vụ Bình Dương kiến nghị Trung ương cho cơ chế để tỉnh thực hiện hợp đồng dài hạn từ ngân sách của địa phương và thực hiện chính sách, chế độ như biên chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đại diện đoàn công tác của Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế về biên chế đối với các tỉnh tự chủ ngân sách, trao quyền tự chủ cho địa phương trong biên chế. Bình Dương và các địa phương căn cứ thực tiễn để đề xuất cách thức phân bổ, tỷ lệ biên chế…​​
(Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/kinh-te-va-dan-so-phat-trien-nhanh-binh-duong-kien-nghi-co-che-dac-thu-1095615.ldo)
Chuyên mục:

BÌNH LUẬN